• instagram
  • facebook
Top 10 cách bảo quản trang sức tốt nhất

Bỏ túi 6 bí quyết chăm sóc và bảo quản trang sức

Trang sức là món đồ khiến chị em mê mẩn bởi giúp chị thêm xinh đẹp tự tin. Vậy làm gì để giữ trang sức luôn sáng bóng đẹp như mới. Dưới đây là 6 bí quyết đơn giản chăm sóc và bảo quản trang sức, mời các bạn theo dõi.

Làm sạch trang sức bằng nước

Cách tốt nhất và đơn giản nhất để vệ sinh trang sức chính là sử dụng nước ấm pha xà phòng loãng hoặc sữa tắm trẻ em. Sau khi rửa trang sức trong dung dịch nước ấm bằng tay hoặc bàn chải đánh răng mềm, bạn hãy lau khô cẩn thận bằng khăn bông.

Đối với các loại trang sức có bề mặt dễ trầy xước như ngọc trai, sapphire, hồng ngọc, kim cương…bạn nên dùng cọ trang điểm mới để làm sạch thay vì bàn chải. Vì trang sức thường có kích thước nhỏ và dễ mất, bạn nên hạn chế vệ sinh trang sức trong bồn rửa mặt. Thay vào đó, hãy sử dụng ly thủy tinh hoặc chén.

Ngăn ngừa và xử lý vết hoen ố

Mùa hè trang sức dễ bị xỉn màu hơn các mùa khác trong năm do tác động của tuyến mồ hôi trên cơ thể hoặc xuất hiện các vết hoen ố trên bề mặt do hiện tượng oxy hóa. Đối với trang sức bạc hoặc đồng, bạn có thể xử lý vết hoen mờ bằng cách dùng tương cà chua để làm sạch, sau đó rửa lại với nước ấm.

Tránh xa ánh nắng mặt trời

Cách tốt nhất để giữ cho phụ kiện trang sức bền đẹp chính là bảo quản trang sức ở những nơi có nhiệt độ ổn định và ít ánh sáng mặt trời. Trên thực tế, ánh sáng trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến màu sắc và độ bền của đá quý trên trang sức theo thời gian. Thạch anh tím, ngọc trai sẽ bị phai màu, trong khi đó, màu sắc đá hổ phách sẽ bị tối đi khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá nhiều.

Bên cạnh đó, nhiệt độ cao cũng tác động đến tuổi thọ của trang sức. Sự thay đổi nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến độ ẩm cần thiết mỗi loại đá quý cần để luôn trong trạng thái hoàn hảo nhất. Ngọc trai có thể bị khô, nứt và đổi màu. Opal sẽ chuyển màu sang sắc trắng hoặc nâu và mất đi vẻ đẹp tự nhiên của chúng.

Không cho trang sức tiếp xúc với các loại hóa chất

Tương tự ánh sáng mặt trời, việc tiếp xúc thường xuyên với hóa chất sẽ khiến trang sức bị hỏng và thay đổi màu sắc vốn có. Ngay cả những vật dụng hằng ngày như kem dưỡng da, nước hoa, mỹ phẩm hay thực phẩm đều chứa các chất gây hại cho trang sức. Vì vậy, khi vệ sinh phụ kiện bằng xà phòng hoặc nước tẩy trang sức chuyên dụng, bạn nên chú ý không nhúng trang sức quá lâu vào các dung dịch này.

Đeo và tháo trang sức đúng lúc

Để tránh làm trang sức bị trầy xước hay các “tai nạn” đứt gãy không mong muốn, bạn nên đeo trang sức sau khi đã hoàn thành tất cả các công đoạn làm đẹp (thử trang phục, trang điểm, làm tóc…). Bên cạnh đó, hóa chất từ nước hoa, keo xịt tóc, mỹ phẩm đều có thể ảnh hưởng tới bề mặt trang sức. Vì vậy, diện trang sức luôn luôn là bước làm đẹp cuối cùng.

Nếu có ý định đi bơi, bạn nên đảm bảo trang sức được tháo rời an toàn trước khi xuống hồ bơi. Nồng độ chlore có trong nước sẽ dễ dàng làm hỏng phụ kiện trang sức của bạn. Bạn cũng nên lưu ý tháo rời trang sức trước khi thử áo quần khi đi mua sắm hoặc tham gia các hoạt động thể thao.

Khi đi ngủ bạn nên tháo trang sức vì khi ngủ trang sức sẽ dễ bị đứt, gãy do ma sát nhiều khi bạn ngủ.

Phân loại trang sức

Để bảo quản trang sức hiệu quả, bạn nên phân loại trang sức theo từng loại phụ kiện (nhẫn, vòng tay, dây chuyền…). Việc phân loại và nắm rõ từng chất liệu của mỗi món phụ kiện sẽ giúp bạn dễ dàng áp dụng các phương pháp làm sạch cũng như đánh bóng trang sức sau này.

Bảo quản trang sức đúng cách

Để bảo quản trang sức hiệu quả, bạn nên lưu giữ chúng trong tủ hoặc hộp đựng chuyên dụng từ cửa hàng. Sau khi phân loại, hãy đặt từng món trang sức riêng biệt để tránh tình trạng các món phụ kiện bị lẫn vào nhau gây trầy xước hoặc hư hỏng.

Bạn cũng có thể đựng trang sức trong túi vải có khóa kéo hoặc dây rút từ các chất liệu mềm như nhung hoặc bông để bảo vệ trang sức tốt nhất. Mặt khác, bạn nên tránh sử dụng túi từ vải lanh, lưới, thun.