Tổng dự trữ vàng tại các ngân hàng trung ương trên thế giới hiện ở mức hơn 33.000 tấn...
Tổng dự trữ vàng tại các ngân hàng trung ương trên thế giới hiện ở mức hơn 33.000 tấn, tương đương khoảng 1/5 số vàng được khai mỏ từ trước đến nay. Phần lớn số vàng dự trữ này này được các ngân hàng trung ương mua trong vòng 1 thập niên trở lại đây, quãng thời gian mà lực lượng này chỉ có mua ròng vàng.
Theo một báo cáo mới đây của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương mua vàng vì một số lý do: giảm rủi ro, phòng ngừa lạm phát và thúc đẩy sự ổn định kinh tế. Trong cuộc khảo sát thường niên gần đây nhất của WGC, 88% quan chức ngân hàng trung ương được hỏi có nói rằng lãi suất âm cũng là một nhân tố quan trọng trong việc đưa ra các quyết định về quản lý dự trữ ngoại hối quốc gia, trong đó có vấn đề dự trữ vàng.
Covid-19, và các cuộc khủng hoảng nói chung, là một lý do nữa để 79% các quan chức được hỏi cho rằng ngân hàng trung ương cần tăng dự trữ vàng. Tỷ lệ này tăng nhiều so với mức 59% trong cuộc khảo sát năm ngoái.
Trong năm 2019, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu mua ròng 668,5 tấn vàng, nhiều nhất kể từ khi các định chế tài chính quốc gia này trở thành lực lượng mua ròng vàng vào năm 2010. Trong 2 quý đầu năm nay, các ngân hàng trung ương mua ròng thêm 220 tấn vàng.
|
Lượng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương từ năm 2010-2019. Đơn vị: tấn - Nguồn: WGC. |
Tuy nhiên, đến quý 3, các ngân hàng trung ương bán ròng 12,1 tấn vàng, đánh dấu quý bán ròng vàng đầu tiên kể từ quý 4/2010. Đợt bán ròng vàng này được cho là do ảnh hưởng mà Covid-19 đã gây ra cho kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, việc giá vàng đạt đỉnh cao mọi thời đại hơn 2.000 USD vào tháng 8 cũng có thể là một nguyên nhân khiến các ngân hàng trung ương tạm dừng việc mua ròng.
Dưới đây là 10 nước dự trữ vàng quốc gia lớn nhất thế giới hiện nay, theo số liệu của WGC:
1. Mỹ
|
Dự trữ vàng: 8.133,5 tấn
Tỷ trọng dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 79%
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tức ngân hàng trung ương nước này, là đơn vị nắm giữ dự trữ vàng quốc gia lớn nhất thế giới, đạt 8.133,5 tấn. Phần lớn dự trữ vàng của Mỹ được cất trong những hầm vàng nằm sâu trong lòng đất ở Denver, Fort Knox và West Point.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, số vàng nằm trong các hầm vàng nói trên được đựng trong những két sắt niêm phong được Bộ Tài chính thanh tra hàng năm, và chủ yếu là vàng thỏi. Phần còn lại trong dự trữ vàng của Mỹ được Cơ quan In tiền Mỹ (Mint) sử dụng như nguyên liệu để dập những đồng xu vàng theo ủy quyền của Quốc hội, và số này bao gồm vàng thỏi, phôi tiền xu vàng, tiền xu vàng…
2. Đức
|
Dự trữ vàng: 3.362,4 tấn
Tỷ trọng dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 75,6%
Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank hiện đang nắm 3.362,4 tấn vàng, bằng chưa đầy một nửa dự trữ vàng của Mỹ. Giống như nhiều ngân hàng trung ương khác trong danh sách này, Bundesbank cất một nửa dự trữ vàng quốc gia ở nước ngoài, như ở New York, London và Pháp.
Vào năm 2012, dự trữ vàng của Đức ở nước ngoài bị nghi ngờ, khi tòa án liên bang Đức về kiểm toán Bundesrechnungshof công khai chỉ trích công tác kiểm toán vàng của Bundesbank.
Đáp lại, Bundesbank ra một tuyên bố khẳng định công tác an ninh của các kho vàng mà nước này cất dự trữ ở nước ngoài là đảm bảo. Sau đó, Bundesbank bắt đầu chuyển vàng dự trữ về nước. Đến năm 2016, hơn 583 tấn vàng đã được đưa về nước.
"Đến ngày 31/12/2016, có 47,9% dự trữ vàng của Đức được cất ở Franfurt; 36,6% cất ở New York; 12,8% cất ở London; và 2,7% cất ở Paris", một tuyên bố của Bundesbank cho hay.
3. Italy
|
Dự trữ vàng: 2.451,8 tấn
Tỷ trọng dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 71,3%
Ngân hàng trung ương Italy Banca d’Italia bắt đầu dự trữ vàng vào năm 1893, khi ba định chế tài chính riêng rẽ hợp lại thành cơ quan này. Dự trữ vàng của Italy đã tăng từ 78 tấn vàng vào thời điểm đó cho tới 2.451,8 tấn hiện nay.
Giống như Đức, Itay cất một phần dự trữ vàng của nước này ở nước ngoài, với 141,2 tấn ở Anh, 149,3 tấn ở Thụy Sỹ, và 1.061 tấn ở Mỹ. Số vàng dự trữ quốc gia mà Italy cất trong nước là 1.100 tấn.
4. Pháp
|
Dự trữ vàng: 2.436 tấn
Tỷ trọng dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 65,5%
Ngân hàng trung ương Pháp Banque de France có 2.436 tấn vàng dự trữ. Số vàng này cất trong một hầm vàng có tên La Souterraine nằm sâu 27 mét dưới mặt đất tại Pháp. Dự trữ vàng của Pháp tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GPD). Số vàng dự trữ quốc gia tính bình quân đầu người của nước này là 38 gram/người.
5. Nga
|
Dự trữ vàng: 2.298,7 tấn
Tỷ trọng dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 23%
Ngân hàng Trung ương Nga nắm 2.298,7 tấn vàng dự trữ và số vàng này được cất hoàn toàn trong nước. 2/3 số vàng nằm trong hầm vàng ở Moscow, và số còn lại đặt ở Saint Petersburg. Tất cả đều ở dạng vàng thỏi, đa số có trọng lượng từ 10-14 kg mỗi thỏi, và một số thỏi nhỏ hơn có trọng lượng từ 1 kg trở xuống.
Là nước sản xuất vàng lớn thứ ba thế giới, Nga đã liên tục mua ròng vàng từ năm 2007, đặc biệt tăng tốc trong thời gian từ 2015 đến đầu năm nay. Hoạt động mua vàng dự trữ của Nga bị gián đoạn trong năm nay do Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành dầu lửa - nguồn thu ngoại tệ của Nga. Đầu tháng 4/2020, Ngân hàng Trung ương Nga đã tạm dừng hoạt động mua vàng tại thị trường trong nước, nhưng sự tạm dừng này chỉ kéo dài trong 6 ngày. Sau đó, cơ quan này tiếp tục mua vàng dự trữ.
6. Trung Quốc
|
Dự trữ vàng: 1.948,3 tấn
Tỷ trọng dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 3,4%
Dự trữ 1.948,3 tấn vàng mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đang nắm giữ chủ yếu được mua từ năm 2000. Vào năm 2001, PBoC mới có 400 tấn vàng, và trong chưa đầy 2 thập niên, số vàng dự trữ đã tăng gần 390%.
PBoC cũng phát hành đồng xu vàng có hình gấu trúc (Panda coin) từ năm 1982. Đồng xu vàng gấu trúc của Trung Quốc hiện nằm trong top 5 đồng xu vàng do các ngân hàng trung ương phát hành, bên cạnh đồng xu vàng của Mỹ (Eagle - đại bàng), Canada (Maple Leaf - lá phong), Nam Phi (Krugerrand) và Australia (Gold Nugget).
7. Thụy sỹ
|
Dự trữ vàng: 1.040 tấn
Tỷ trọng dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 6,5%
Sau nhiều năm việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) bị cho là thiếu minh bạch trong quản lý vàng quốc gia, một sáng kiến có tên Swiss Gold Initiative đã được khởi động vào năm 2011. Đỉnh điểm của sáng kiến này là một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào năm 2014, đề nghị người dân bỏ phiếu về 3 đề xuất.
Đề xuất thứ nhất là toàn bộ dự trữ vàng quốc gia phải được giữ trong nước. Hai đề xuất còn lại liên quan đến khả năng SNB được phép bán dự trữ vàng, cùng một sắc lệnh quy định 20% tài sản của SNB phải là vàng.
Cuộc trưng cầu dân ý không thành công, nhưng sáng kiến trên dã SNB phải minh bạch hơn về dự trữ vàng. Trong một báo cáo vào năm 2013, SNB cho biết 70% dự trữ vàng quốc gia được cất trong nước, 20% cất tại Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), và 10% cất ở Ngân hàng Trung ương Canada (BOC).
8. Nhật Bản
|
Dự trữ vàng: 765,2 tấn
Tỷ trọng dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 3,2%
Rất hiếm thông tin được công bố về dự trữ vàng mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nắm giữ. Vào năm 2000, nước này có khoảng 753 tấn vàng. Đến năm 2004, số vàng dự trữ của Nhật tăng lên mức 765,2 tấn và duy trì cho tới nay.
9. Ấn Độ
|
Dự trữ vàng: 668 tấn
Tỷ trọng dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 6,5%
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã mua thêm 22,7 tấn vàng dự trữ trong năm nay. Theo thông tin hồi tháng 8, RBI có ý định tăng dự trữ vàng lên mức 10% tổng dự trữ ngoại hối.
10. Hà Lan
|
Dự trữ vàng: 612,5 tấn
Tỷ trọng dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 71,4%
Ngân hàng Trung ương Hà Lan (DNB) cất 38% dự trữ vàng quốc gia ở Canada; 38% là 15.000 thỏi vàng cất tại một hầm vàng trong nước, và số 31% còn lại cất ở New York. Một báo cáo của DNB nói rằng vàng là tài sản an toàn tốt nhất.
(Phú Tài tổng hợp và biên soạn)